TIỀN SẢN GIẬT TRONG THAI KỲ

Tiền sản giật là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tử vong cho thai phụ và thai nhi, nhất là trong trường hợp tiền sản giật khởi phát sớm. Theo thống kê, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 76.000 thai phụ và 500.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, tiền sản giật – sản giật chiếm khoảng 4-5% trong tổng số phụ nữ mang thai, là một trong năm tai biến sản khoa cần ngăn chặn và giải quyết.

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (tiếng Anh là Preeclampsia) là một biến chứng thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao và dễ gây tổn thương đến các cơ quan khác, thường là gan và thận. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm sau tuần thai thứ 20, nhưng rất hiếm khi gặp trường hợp này. Đa phần các triệu chứng chỉ xuất hiện sau tuần thai thứ 34 (khoảng 3 tháng cuối thai kỳ). Ở một vài thai phụ, triệu chứng lại xuất hiện sau khi lâm bồn, thường là trong vòng 48 giờ sau sinh. May mắn là, những triệu chứng này có xu hướng tự mất đi trong vòng vài tuần sau đó.

Tiền sản giật là căn nguyên dẫn đến sản giật – một tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây tiền sản giật ở sản phụ

Theo các chuyên gia sản khoa, hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh tiền sản giật khi mang bầu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thường do giảm lưu lượng máu đến nhau thai – cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh tiền sản giật như:

  • Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó.
  • Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột,… bị tiền sản giật.
  • Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ.
  • Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
  • Thiếu máu cục bộ tử cung – nhau.
  • Một số gen bất thường.
  • Đa thai
  • Tăng huyết áp

3. Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp như: Đau đầu, tức ngực, buồn nôn, khó thở, phù ứ nước ở tay chân hoặc mặt, đau bụng trên, mệt mỏi. Huyết áp đột ngột tăng cao

Ngoài ra, các biểu hiện khác bao gồm:

  • Protein dư thừa trong nước tiểu (protein niệu);
  • Thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng;
  • Tăng cân đột ngột (hơn 2kg/tuần);

4. Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật khi mang thai

Khi có các dấu hiệu trên, các bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm sau nhằm xác định bạn có bị hội chứng bệnh này hay không:

  • Đo huyết áp cho thai phụ
  • Protein trong nước tiểu: Bạn sẽ làm xét nghiệm kiểm tra tỷ lệ protein-creatinine (creatinine là chất thải do thận lọc ra) trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu: Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm máu thường xuyên, bao gồm cả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) và xét nghiệm chức năng gan, thận. Việc làm này cũng giúp sàng lọc hội chứng HELLP.
  • Các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của em bé: Bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra sự phát triển của em bé, xem bé có đang tăng trưởng tốt hay không.

Sau khi trải qua hàng loạt xét nghiệm, nếu được chẩn đoán bị tiền sản giật, thai phụ và em bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ để hạn chế tối đa biến chứng.

5. Biến chứng tiền sản giật

Các biến chứng thường gặp nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi

  • Có thể dẫn đến thai chậm phát triển hoặc chết thai.
  • Sinh non
  • Sản giật (tiền sản giật cộng với co giật)
  • Rau bong non.
  • Hội chứng HELLP ( bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu, đau bụng trên bên phải) đặc biệt nguy hiểm vì gây tổn thương nghiêm trọng một số hệ thống cơ quan khác.
  • Bệnh tim mạch
  • Tổn thương các cơ quan khác như: thận, gan, phổi, tim, mắt. Bên cạnh đó, nó còn dễ gây đột quỵ hoặc chấn thương não.

6. Cách điều trị tiền sản giật ở thai phụ hiệu quả

Sau khi được thăm khám, đối với các trường hợp sản phụ bị tiền sản giật nhẹ:

  • Có thể điều trị và theo dõi ngoại trú bằng cách đo huyết áp 2 lần 1 ngày.
  • Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
  • Theo dõi hàng tuần, nếu nặng lên phải nhập viện và điều trị tích cực.
  • Uống đủ nước (2 – 3l nước mỗi ngày), ăn tăng đạm và ăn nhạt.

Nếu em bé phát triển tốt, đủ 37 tuần hoặc hơn, bác sĩ sẽ chỉ định sinh ngay để tình trạng tiền sản giật không diễn biến tồi tệ hơn nữa. Nếu em bé dưới 37 tuần tuổi và bệnh diễn biến chưa quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ cho đến khi thai nhi phát triển đủ để cuộc sinh nở diễn ra an toàn.

Điều trị tiền sản giật nặng:

Phải nhập viện và theo dõi huyết áp và được điều trị tích cực. Theo dõi huyết áp 4 lần/ ngày, cân nặng và protein niệu hàng ngày, xét nghiệm đếm tiểu cầu, Hct, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục. Nếu tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật thì chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Trước khi chủ động chấm dứt thai kỳ, cần ổn định tình trạng bệnh nhân trong vòng 24-48 giờ.

7. Phòng ngừa

Nếu bạn có nguy cơ cao bị hội chứng này, việc bạn cần làm trước khi mang thai là thay đổi lối sống để phòng ngừa và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Bạn nên:

  • Tránh xa thuốc lá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm soát huyết áp hoặc lượng đường trong máu
  • Bổ sung canxi, sắt, vitamin D, DHA, EPA
  • Nằm nghỉ tại giường với tư thế nghiêng về phía bên trái
  • Chế độ sinh hoạt phù hợp, ngủ đủ giấc
  • Phát hiện sớm, điều trị kịp thời những sản phụ có nguy cơ cao để ngăn xảy ra sản giật.

Tiền sản giật là căn bệnh rất đáng sợ mà mọi thai phụ đều muốn tránh, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu cần hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của mình và những căn bệnh có thể mắc phải khi mang thai. Ngoài ra, điều mà tất cả mẹ bầu cần lưu ý đó là phải theo dõi sức khoẻ sát sao trong suốt thai kỳ. Nếu có bất thường gì, mẹ nên đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Khoa Sản Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phan Châu Trinh với hệ thống Siêu âm màu 4D, hệ thống xét nghiệm hiện đại (double, triple test, Thalassemia, NIPT..)… cùng đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa Sản giàu kinh nghiệm và chuyên môn hân hạnh được đồng hành cùng Bố mẹ trên con đường chào đón em bé chào đời